Dịch vụ Nổi bật

vai trò của luật sư trong vụ án hình sự thủ tục ly hôn đơn phương Luật sư bào chữa vụ án hình sự vai trò của luật sư
1 2 3 4
/ Hôn nhân

Quyền nuôi con khi ly hôn

Vì quyền lợi và tương lai của con

Trong vụ án ly hôn, ngoài vấn đề về phân chia tài sản, vấn đề “chia con” – hay nói chính xác là xác định quyền nuôi con là một nội dung quan trọng khác mà tòa án phải giải quyết.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Việt Nam) cũng như luật hôn nhân của nhiều quốc gia khác đều có những điều khoản cụ thể qui định về quyền nuôi con (và cũng có thể coi đó là nghĩa vụ) của người vợ hoặc người chồng sau khi ly hôn.

Tuy nhiên, trong hầu hết các vụ án ly hôn, việc tranh giành hay bác bỏ quyền/nghĩa vụ nuôi con vẫn luôn căng thẳng không kém gì chuyện phân chia tài sản. Hầu hết các đương sự đều thuê luật sư – là những chuyên gia pháp luật – tư vấn hoặc “tranh giành” quyền nuôi con cho mình.

Về nguyên tắc, việc ai là người nuôi con khi ly hôn có thể được các đương sự (vợ, chồng) tự thỏa thuận với nhau và được tòa ghi nhận trong bản án. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên (dưới 18 tuổi) hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Bên còn lại – tức là bên không được trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng (mức cấp dưỡng tuỳ theo điều kiện kinh tế hoặc theo thoả thuận) để người kia chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến khi trưởng thành (đủ 18 tuổi).
Tuy nhiên, nếu hai người (vợ, chồng) không thể thoả thuận được với nhau thì Toà án sẽ có quyền phán xét, giao quyền nuôi con cho một bên – tức là vợ hoặc chồng.
 

Quyết định của tòa án căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt và hướng tới tương lai tốt đẹp của con.

- Các quyền lợi đó có thể là : điều kiện học tập, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, đi lại …Chính vì vậy, có thể thấy người nào có điều kiện tốt hơn về tài sản, thu nhập, công việc … - tức là có nhiều tiền hơn, thì sẽ có lợi thế hơn trong việc giành quyền nuôi con. Mà như vậy, thường thì người cha (chồng) có lợi thế hơn.

- Tuy nhiên, người mẹ (vợ) lại thường có lợi thế hơn về mặt tình cảm, đạo đức, phương pháp nuôi dạy con cái. Chính vì vậy, chúng ta vẫn hay thấy trong các vụ án ly hôn, phía người vợ thường chỉ ra những “thói hư tật xấu” của người chồng như nhật nhẹt, vũ phu, hay đánh con … để giành ưu thế trong “cuộc đua” giành quyền nuôi con.

Thật đáng ngạc nhiên là đã có trường hợp … ngược lại. Năm rồi, công chúa nhạc Pop Pritney Spears đã bị mất quyền nuôi con khi bị toà án kết luận “đã không qua được lần kiểm tra nồng độ rượu và ma tuý trong máu”.

Ngoài ra, nếu con dưới 3 tuổi thì tòa sẽ giao cho người mẹ nuôi dưỡng – ngoại trừ trường hợp người mẹ không muốn nuôi con. Ở nước ta, với qui định nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên, đủ để nhận biết việc ở với bố hay mẹ là thuận tiện hơn thì Toà án sẽ hỏi ý kiến, nguyện vọng của con – cũng là một lợi thế cho người mẹ, vì người mẹ dễ gần gũi, thân thiện hơn với con cái.

 

Tuy vậy, trên thực tế không phải bậc cha mẹ nào cũng muốn nuôi con khi ly hôn. Đa phần người chồng thường xem quyền này là nghĩa vụ - và thường né tránh chuyện nuôi con khi ly hôn.

Một điều nữa cũng cần lưu ý là tuy giành được quyền nuôi con khi ly hôn, nhưng trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc con, nếu người cha người mẹ không hoàn thành trách nhiệm của mình thì người kia có quyền nộp đơn yêu cầu thay đổi người nuôi con.

Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam qui định trong tất cả các trường hợp, sau khi ly hôn người không trực tiếp nuôi con vẫn có quyền thăm nom con, có thể theo định kỳ hoặc thường xuyên theo thoả thuận của hai bên và không ai được cản trở quyền này. Tuy nhiên, nếu người không nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người đang trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Toà án hạn chế quyền thăm nom con của người kia.

Tóm lại, việc ai là người có quyền nuôi con phụ thuộc phần lớn vào quyền lợi và tương lai của chính người con. Tuy nhiên, việc đánh giá này hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nhận định chủ quan của tòa án. Do vậy, đây vẫn luôn là vấn đề thường gây tranh cãi và chắc chắn sẽ không thể làm hài lòng tất cả mọi người.

Trường hợp nếu là công dân Việt Nam nhưng lại không thường trú tại Việt Nam thì việc ly hôn sẽ giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng. Và hiển nhiên quyền nuôi con cũng theo đó mà giải quyết.

 

Một số vụ án “nổi tiếng” tranh cãi về quyền nuôi con khi ly hôn

Gần đây, báo chí trong nước có đưa tin về việc tranh chấp quyền nuôi con của nữ diễn viên Lý Hương với người chồng Tony Lam (người Mỹ) khi ly hôn.

Lý Hương (nguyên đơn) và chồng đều yêu cầu được quyền nuôi con. Do Việt Nam và Mỹ chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp, nên theo qui định, khi xử lý các vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình tại nước nào thì áp dụng theo luật của nước đó. Do trong hộ chiếu của Lý Hương không ghi chú rõ việc cô và ông Tony Lam đã kết hôn vào tháng 2-2001 ở Mỹ nên vụ tranh chấp quyền nuôi con của hai người đều được cả hai nơi là tòa án Việt Nam và tòa án Mỹ phân xử. Điều đáng nói là mỗi nơi lại tuyên trái ngược nhau về quyền nuôi con của họ.

Trong phiên xử sơ thẩm tháng 4-2007, TAND TP.HCM đã tuyên xử cho Lý Hương được quyền nuôi dưỡng con. Sau đó, ông Tony Lam đã kháng cáo nhưng do vắng mặt nên Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ xét xử vụ án và bản án của tòa sơ thẩm có hiệu lực vào tháng 9-2007.

Trước đó, trong quá trình xét xử tại TAND TP.HCM, ông Tony Lam đã xuất trình cho tòa một án lệnh của tòa án gia đình tại tiểu bang New York với nội dung “tạm thời giao quyền giám hộ cháu Princess Lam cho ông Tony Lam”. TAND TP.HCM cho rằng án lệnh của tòa án gia đình ở Mỹ chưa được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, hơn nữa lại được ban hành sau khi toà thụ lý đơn xin ly hôn của Lý Hương nên không được chấp nhận. Theo VTC, vụ việc này cho đến nay vẫn chưa thể phân xử ai là người được quyền nuôi con.

Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn (Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

1. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
2. Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Về nguyên tắc, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ khả năng nuôi con hoặc các bên không có thoả thuận khác.

Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Toà án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên.

Quyền thăm nom con sau khi ly hôn

Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này.
Trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Toà án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Thông tin liên hệ

Công ty UPLAW với đội ngủ Luật sư có chuyên môn và kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp khi ly hôn sẽ tư vấn hoặc trực tiếp cùng đương sự tham gia giải quyết tranh chấp ly hôn và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đương sự tại Tòa án.

Địa chỉ : NCV - số 61 Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội                                    Hotline: 0985488333 (LS. Hoàng Việt Hùng)

 Email: uplaw.info@gmail.com                                               website: http://uplaw.vn

Trân trọng!

---------------------------------------------------

Công ty Uplaw