Dịch vụ Nổi bật

vai trò của luật sư trong vụ án hình sự thủ tục ly hôn đơn phương Luật sư bào chữa vụ án hình sự vai trò của luật sư
1 2 3 4
/ Hôn nhân

Ly hôn khi chồng đang chấp hành án phạt tù

Ly hôn khi chồng đang chấp hành án phạt tù

1.Chồng đi tù vợ có được gửi yêu cầu ly hôn không?

Ly hôn là việc mà chẳng ai trong hai vợ chồng mong muốn cả. Do vậy, chỉ trong trường hợp không thể kéo dài cuộc hôn nhân của mình nữa thì một bên vợ hoặc chồng mới quyết định ly hôn đơn phương.

Theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:Vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Ngoài ra, còn có 03 đối tượng nữa cũng có thể yêu cầu ly hôn cho 01 cặp vợ chồng là cha, mẹ hoặc người thân thích khác nếu:

  •        Một bên vợ, chồng bị bệnh tâm thần, mắc bệnh không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, là nạn nhân bạo lực gia đình do người còn lại gây ra;
  •        Hành vi bạo lực gia đình nêu trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của vợ/chồng.

Như vậy, việc ly hôn có thể do cả hai bên vợ, chồng cùng thỏa thuận hoặc do yêu cầu của một bên. Do đó, để được phép ly hôn đơn phương thì bên yêu cầu ly hôn phải có căn cứ về việc:

  •        Vợ/chồng có hành vi bạo lực gia đình;
  •        Vợ/chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của mình làm hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

Ngoài ra, một số trường hợp, luật không cho phép người chồng được quyền đơn phương ly hôn nếu:  

  •        Vợ đang mang thai;
  •        Vợ đang sinh con;
  •        Vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

Ngược lại, dù người vợ đang mang thai, sinh con, nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì vẫn có quyền gửi yêu cầu ly hôn đơn phương hoặc hai vợ chồng thỏa thuận để được xin ly hôn thuận tình.

Như vậy, nếu không có những căn cứ này thì không có quyền đơn phương ly hôn mà phải thỏa thuận để thuận tình ly hôn. 

2. Tòa có giải quyết yêu cầu ly hôn của vợ khi chồng đi tù?

Như phân tích ở trên, khi một trong hai vợ chồng đi tù thì không thuộc trường hợp bị cấm ly hôn. Do đó, nếu một người đi tù thì người còn lại vẫn có quyền đơn phương ly hôn.

Trong đó, đơn phương ly hôn hay còn gọi là ly hôn theo yêu cầu của một bên được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình. Cụ thể: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Căn cứ quy định này, Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn đơn phương nếu đồng thời có các điều kiện sau đây:

  •        Vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành;
  •        Có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Cụ thể như:
  •        Tình trạng vợ, chồng trầm trọng: Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc,giúp đỡ nhau; Vợ/chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, thường xuyên đánh đập… hoặc vợ/chồng không chung thủy, ngoại tình…
  •        Đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài: Cuộc sống vợ, chồng đã đến mức trầm trọng. Đặc biệt, nếu đã được nhắc nhở, hòa giải nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục quan hệ ngoại tình hoặc sống ly thân, bỏ mặc nhau, hành hạ hoặc đánh đập, xúc phạm nhau.
  •        Mục đích của hôn nhân không đạt được: Trong đó, mục đích của hôn nhân là vợ, chồng yêu thương nhau, xây dựng mối quan hệ vợ, chồng bình đẳng dựa trên căn cứ tình yêu, trách nhiệm…

Như vậy, nếu có đầy đủ các căn cứ nêu trên thì khi có yêu cầu, Tòa án sẽ giải quyết việc ly hôn đơn phương dù một trong hai vợ, chồng đang trong tù.

3. Trích xuất phạm nhân để phục vụ xét xử:

a. Trích xuất phạm nhân là gì?

Trích xuất là việc thực hiện quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2019 đưa phạm nhân, người bị kết án tử hình hoặc người chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng ra khỏi nơi quản lý và chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, khám bệnh, chữa bệnh, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo trong thời hạn nhất định.

b. Khi nào thực hiện trích xuất phạm nhân?

Việc trích xuất phạm nhân được thực hiện khi:

  •        Để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử;
  •        Để phục vụ yêu cầu quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo, khám bệnh, chữa bệnh hoặc để chăm sóc con của phạm nhân đang ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ phạm nhân phải đưa đi khám và điều trị bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Từ đó cho thấy là có thể trích xuất phạm nhân (chồng) để tham gia xét xử vụ án dân sự.

c. Trình tự thực hiện trích xuất phạm nhân

Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có yêu cầu trích xuất phạm nhân phải gửi văn bản yêu cầu cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có yêu cầu trích xuất để yêu cầu người có thẩm quyền ra lệnh trích xuất.

Khi nhận được yêu cầu trích xuất phạm nhân, người có thẩm quyền phải ra lệnh trích xuất.

Theo điều 4 Thông tư liên tịch 01/2020/TTLT-BCA-BQP- TANDTC-VKSNDTC quy định về gửi văn bản yêu cầu trích xuất:

1. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao khi có yêu cầu trích xuất phạm nhân để phục vụ điều tra, truy tố thì việc gửi văn bản yêu cầu trích xuất phạm nhân được thực hiện như sau:

a) Trường hợp phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an thì gửi văn bản yêu cầu trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an; phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng thì gửi văn bản yêu cầu trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng để ra lệnh trích xuất;

b) Trường hợp phạm nhân đang chấp hành án tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh hoặc phạm nhân do cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trực tiếp quản lý thì gửi văn bản yêu cầu trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để ra lệnh trích xuất;

c) Trường hợp phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam cấp quân khu và tương đương (gọi chung là cấp quân khu) thì gửi văn bản yêu cầu trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu để ra lệnh trích xuất.

2. Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương, Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao khi có yêu cầu trích xuất phạm nhân để phục vụ xét xử thì gửi văn bản yêu cầu trích xuất đến cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi sẽ tiến hành xét xử hoặc nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm có trụ sở để ra lệnh trích xuất hoặc đề nghị ra lệnh trích xuất phạm nhân.

3. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc Công an nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện khi có yêu cầu trích xuất phạm nhân để phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử thì gửi văn bản yêu cầu trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi cơ quan yêu cầu trích xuất có trụ sở để ra lệnh trích xuất hoặc đề nghị ra lệnh trích xuất phạm nhân.

4. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc cấp quân khu, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc cấp khu vực khi có yêu cầu trích xuất phạm nhân thì gửi văn bản đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cơ quan yêu cầu trích xuất có trụ sở để ra lệnh trích xuất hoặc đề nghị ra lệnh trích xuất.

5. Các trường hợp phạm nhân bị khởi tố bị can về tội phạm khác, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can đối với phạm nhân đó phải có văn bản yêu cầu trích xuất phạm nhân gửi đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này để ra lệnh trích xuất hoặc đề nghị ra lệnh trích xuất phạm nhân về trại tạm giam, nhà tạm giữ phục vụ điều tra.

6. Văn bản yêu cầu trích xuất phạm nhân của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có các nội dung sau đây:

a) Cơ quan yêu cầu trích xuất; họ, tên, chức vụ, chức danh, chữ ký của người có thẩm quyền yêu cầu trích xuất và đóng dấu;

b) Họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi đăng ký thường trú của phạm nhân; ngày bị bắt; tội danh; thời hạn bị phạt tù; bản án số, ngày, tháng, năm, của Tòa án; Quyết định thi hành án số, ngày, tháng, năm của Tòa án và nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù; tư cách tham gia tố tụng của phạm nhân được trích xuất trong vụ án do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu trích xuất phạm nhân đang thụ lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;

c) Mục đích và thời hạn trích xuất; cơ quan, đơn vị được phân công nhận và áp giải phạm nhân được trích xuất; cơ sở giam giữ nơi nhận, quản lý phạm nhân trong thời gian trích xuất.

          Vậy theo quy định trên, Tòa án có thẩm quyền xét xử ly hôn sẽ gửi văn bản yêu cầu trích xuất phạm nhân (chồng) cho cơ quan có thẩm quyền ra lệnh trích xuất cụ thể là: cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có yêu cầu trích xuất để yêu cầu người có thẩm quyền ra lệnh trích xuất.

d. Thẩm quyền trích xuất phạm nhân

* Thẩm quyền trích xuất phạm nhân để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện như sau:

  •        Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an ra lệnh trích xuất đối với phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an;
  •        Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng ra lệnh trích xuất đối với phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng; Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra lệnh trích xuất đối với phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam cấp quân khu;
  •        Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh ra lệnh trích xuất đối với phạm nhân đang chấp hành án tại trại tạm giam hoặc phạm nhân do cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trực tiếp quản lý.

* Thẩm quyền trích xuất phạm nhân trong trường hợp để phục vụ yêu cầu quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo, khám bệnh, chữa bệnh hoặc để chăm sóc con của phạm nhân đang ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ phạm nhân phải đưa đi khám và điều trị bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc về:

  •        Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam;
  •        Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

(Khoản 17 Điều 3, Điều 40 Luật Thi hành án hình sự 2019)

  1. Thủ tục ly hôn với chồng đang đi tù tiến hành thế nào?

Hồ sơ cần chuẩn bị

Để ly hôn đơn phương với chồng đang ngồi tù, người vợ cần phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau:

  •        Đơn xin ly hôn (theo mẫu của Tòa án Quận/Huyện nơi vợ chồng đang sinh sống)
  •        Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
  •        Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);
  •        Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);
  •        Sổ hộ khẩu gia đình (bảo sao có chứng thực);
  •        Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực).

Ngoài ra, do hiện tại, người bị yêu cầu ly hôn đang chấp hành hình phạt tù nên cần phải có các văn bản liên quan đến việc này như bản án, quyết định thi hành án phạt tù... để làm căn cứ.

Nộp đơn ly hôn ở đâu?

Nếu không xác định được nơi cư trú của công dân - chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống (căn cứ Điều 12 Luật Cư trú) thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống.Do đó, trong trường hợp người chồng đi tù thì người vợ có thể gửi đơn xin ly hôn đơn phương đến Tòa án nơi người chồng đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc Tòa án nơi cư trú trước đây của người chồng.

Thời gian giải quyết ly hôn

Theo Bộ luật Tố tụng dân sự, khi giải quyết ly hôn đơn phương thì thời gian của từng giai đoạn được quy định như sau:

- 03 ngày làm việc: Tòa án phân công Thẩm phán xem xét đơn ly hôn đơn phương.

- 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công: Thẩm phán thụ lý vụ án; chuyển đơn cho cơ quan khác có thẩm quyền; trả lại đơn…

- 04 tháng: Thời gian Tòa án chuẩn bị xét xử sau khi thụ lý đơn ly hôn.

- 02 tháng: Vụ án phức tạp hoặc có tính chất bất khả kháng, trở ngại khách quan thì đây là thời gian gia hạn chuẩn bị xét xử.

- 01 tháng: Đưa vụ ly hôn đơn phương ra xét xử tại phiên tòa;

- 02 tháng: Kéo dài thời hạn mở phiên tòa nếu có lý do chính đáng.

Như vậy, nếu nhanh nhất thì thời gian giải quyết ly hôn đơn phương là 04 tháng

5. Án phí ly hôn đơn phương là bao nhiêu?

Sau khi đã nhận đơn khởi kiện với hồ sơ hợp lệ thì Tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí. Mức án phí sẽ áp dụng khi giải quyết thủ tục ly hôn được quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 như sau: “Án phí dân sự, hôn nhân gia đình sơ thẩm không có giá ngạch là: 300.000 đồng

Án phí trong trường hợp giải quyết thủ tục ly hôn có xảy ra tranh chấp về tài sản, sẽ áp dụng như sau:

  •        Từ 6.000.000 đồng trở xuống: Mức án phí là 300.000 đồng;
  •        Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: Mức án phí là 5% giá trị tài sản có tranh chấp;
  •        Từ 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: Mức án phí là 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
  •        Từ 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: Mức án phí là 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng;
  •        Từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: Mức án phí là 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng;
  •        Trên 4.000.000.000 đồng: Mức án phí là 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.

Đương sự sẽ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và sẽ nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.


,