(PLO)- TAND TP Hà Nội vừa tuyên phạt ông Đinh La Thăng 13 năm tù về tội Cố ý làm trái, ông Trịnh Xuân Thanh tù chung thân về hai tội tham ô và cố ý làm trái.
Sáng nay (22-1), sau năm ngày nghị án, TAND TP Hà Nội bắt đầu tuyên án đối với các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm trong vụ tham ô, cố ý làm trái tại PVN, PVC.
Chủ tọa phiên tòa đang đọc tuyên án. Ảnh: TUYẾN PHAN
HĐXX xác định bị cáo Đinh La Thăng là người đóng vai trò quyết định trong vụ án này. Các bị cáo là lãnh đạo của PVN như Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn... được xác định phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, nhưng phạm tội do chịu sức ép của cấp trên, không tư lợi nên được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Các ông Đỗ Chí Thanh, Vũ Huy Quang... (PVPower) xét tính chất, mức độ không có căn cứ xem xét TNHS, đề nghị xem xét kỷ luật.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX xét thấy do hành vi cố ý làm trái của các bị cáo đã gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 119 tỉ đồng nên buộc các bị cáo phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền này.
Bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm bồi thường 60 tỉ đồng, mỗi bị cáo 30 tỉ đồng.
Các bị cáo Phùng Đình Thực, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh, Vũ Đức Thuận chịu trách nhiệm về 30 tỉ đồng, mỗi bị cáo hơn 7 tỉ đồng...
Về tội tham ô, Trịnh Xuân Thanh phải bồi thường số tiền 4 tỉ đồng, Vũ Đức Thuận 8 tỉ đồng; Nguyễn Anh Minh hơn 3 tỉ đồng... Ngoài ra, mỗi bị cáo chịu trách nhiệm bồi thường 350 triệu đồng trong số tiền chiếm hưởng chung là 1,5 tỉ đồng.
HĐXX cho rằng cần tiếp tục thực hiện lệnh kê biên tài sản đối với Trịnh Xuân Thanh để bảo đảm thi hành án.
Kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ các sai phạm tại các dự án Ethanol Dung Quất, Ethanol Phú Thọ, Xơ sợi đình Vũ... để xử lý theo pháp luật.
Tòa tuyên án: ông Đinh La Thăng 13 năm tù về tội Cố ý làm trái, ông Trịnh Xuân Thanh tù chung thân về hai tội tham ô và cố ý làm trái...
Mức án cụ thể của các bị cáo:
1. Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN): 13 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
(VKS đề nghị 14-15 năm tù về tội cố ý làm trái)
2. Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC): 14 năm tù về tội cố ý làm trái, tù chung thân về tội tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt là chung thân. Phạt tiền 50 triệu đồng
(VKS đề nghị 13-14 năm tù về tội cố ý làm trái, tù chung thân về tham ô tài sản. Hình phạt chung là tù chung thân)
3. Phùng Đình Thực (nguyên TGĐ PVN): 9 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
(VKS đề nghị 12-13 năm tù)
4. Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó TGĐ PVN): 9 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
(VKS đề nghị 10-11 năm tù)
5. Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó TGĐ PVN): 9 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
(VKS đề nghị 10-11 năm tù)
6. Vũ Đức Thuận (nguyên TGĐ PVC): 7 năm tù về tội cố ý làm trái, 15 năm tù về tội tham ô, tổng hợp hình phạt là 22 năm tù. cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt. Phạt tiền 30 triệu đồng.
(VKS đề nghị 8- 9 năm tù về tội cố ý làm trái ; 18-19 năm tù về tội tham ô tài sản. Tổng hợp từ 26-28 năm tù)
7. Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN): 7 năm tù. Cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
8. Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN): 4 năm 6 tháng tù. Cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
(VKS đề nghị 7-8 năm tù về tội cố ý làm trái)
9. Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 2): 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm. Cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
(VKS đề nghị 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4-5 năm về tội cố ý làm trái)
10. Trần Văn Nguyên (nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2): 30 tháng tù cho hưởng án treo. Cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
(VKS đề nghị 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4-5 năm)
11. Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC): 6 năm tù. Cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
(VKS đề nghị 8-9 năm tù về tội cố ý làm trái)
12. Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó TGĐ PVC): 6 năm tù. Cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
(VKS đề nghị 7-8 năm tù về tội cố ý làm trái)
13. Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC): 4 năm 6 tháng tù. Cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
(VKS đề nghị 6-7 năm tù)
14. Trương Quốc Dũng (nguyên phó TGĐ PVC): 17 tháng tù. Cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
(VKS đề nghị 17-18 tháng tù về tội cố ý làm trái)
Nhóm bị cáo phạm tội tham ô
15. Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó TGĐ PVC): 16 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt. Phạt tiền 30 triệu đồng
(VKS đề nghị 18- 19 năm tù)
16. Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC): 10 năm tù. cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt. Phạt tiền 30 triệu đồng.
(VKS đề nghị 13-14 năm tù)
17. Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC): 10 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt. Phạt tiền 30 triệu đồng.
(VKS đề nghị 13-14 năm tù)
18. Nguyễn Thành Quỳnh (Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ, Tổng Công ty CP Miền Trung - Công ty Cổ phần (Đà Nẵng): 8 năm tù. Phạt tiền 30 triệu đồng.
(VKS đề nghị 8-9 năm tù)
19. Lê Thị Anh Hoa (Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm.
(VKS đề nghị 30- 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 5 năm)
20. Nguyễn Đức Hưng (nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban điều hành Vũng Áng - Quảng Trạch): 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm. Phạt tiền 20 triệu đồng. Trả tự do cho bị cáo nếu không bị giam về tội khác.
(VKS đề nghị 30- 36 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 5 năm)
21. Lê Xuân Khánh (nguyên Trưởng phòng kinh tế Kế hoạch, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch): 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm. Trả tự do cho bị cáo nếu không bị giam về tội khác.
(VKS đề nghị 30-36 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 5 năm)
22. Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch): 3 năm tù cho hưởng án treo. Phạt tiền 20 triệu đồng. Trả tự do cho bị cáo nếu không bị giam về tội khác.
(VKS đề nghị 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 5 năm)
|
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: TUYẾN PHAN
HĐXX bắt đầu làm việc. (Ảnh chụp qua màn hình) Ảnh: Đ.MINH
Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh chụp qua màn hình) Ảnh: Đ.MINH
Tòa nhận định:
Năm 2010, do đầu tư dàn trải không hiệu quả, PVC rơi vào khả năng mất cân đối tài chỉnh. Tuy nhiên, thay vì các giải pháp căn cơ, PVN lại giao cho PVC gánh việc đầu tư vào 5 dự án đang thua lỗ.
Để tạo điều kiện cho PVC, ông Thăng có văn bản gửi Thủ tướng, đưa Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào danh mục các dự án PVN sẽ triển khai thực hiện trong năm 2010 cần được chỉ định thầu và đề xuất Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng quản trị PVN quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu...
Mặc dù chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm các thủ tục liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu, nhưng tháng 6-2010, ông Thăng đã ký Nghị quyết đồng ý về chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.
Về việc sử dụng số tiền tạm ứng số tiền 1115 tỉ đồng và 6,6 triệu USD: Sau khi nhận được tiền tạm ứng, Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo tại PVC đã sử dụng số tiền nói trên sai mục đích mà không đầu tư vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Cụ thể, sử dụng 763 tỉ đồng để trả nợ ngân hàng, đầu tư vào các dự án khác...
Về thiệt hại, kết quả điều tra xác định số tiền tạm ứng bị PVC sử dụng sai mục đích là trên 1.115 tỉ đồng, đến tháng 11-2017 mới thu hồi được trên 1.087 tỉ đồng. Theo kết luận giám định, ông
Đinh La Thăng và các bị cáo đã gây thiệt hại cho PVN tổng số tiền gần 120 tỉ đồng (gồm số tiền lãi tối thiểu trên số tiền không sử dụng vào mục đích dự án và số tiền lãi suất phát sinh tới ngày PVN chính thức đòi tiền tạm ứng sử dụng sai mục đích).
Sẽ kiến nghị làm rõ thêm các thiệt hại
HĐXX thấy rằng: Sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra đã có kết luận trưng cầu giám định. Hội đồng giám định đã tuân thủ triệt để các quy định của luật giám định, theo đúng thành phần chuyên môn, thực hiện giám định đúng quy trình, từ đó xác định thiệt hại của hành vi làm trái của các bị cáo là 119 tỉ đồng. Ngoài ra, hậu quả của việc chỉ định thầu và tạm ứng trái phép phải được tính toán cẩn thận trên nhiều khía cạnh.
Cụ thể, hàng loạt cán bộ, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực dầu khí, lĩnh vực tài chính của PVN được đào tạo bài bản, có quá trình cống hiến đã vi phạm pháp luật, lao vào vòng lao lý. Do không có năng lực thi công dự án nhiệt điện Thái Bình 2, PVC đã thi công chậm tiến độ 18 tháng, làm đội vốn công trình hàng nghìn tỉ đồng, lãi suất phát sinh đối với các khoản vay trong và ngoài nước đến nay vẫn phải trả lãi. Máy móc thiết bị đắp chiếu đã hết thời hạn bảo hành trong khi nhà máy chưa vận hành nên tổn thất này không thể tính toán trong giai đoạn điều tra, tiếp tục phát sinh trong vụ án sau..
Sau khi ký hợp đồng số 33 và hợp đồng 4194, dưới áp lực của Đinh La Thăng, PVN đã tạm ứng cho PVC số tiền hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỉ đồng trái với các quy định của Nhà nước. Khỏan tiền này sau một thời gian dài mới được trả lại cho Ban quản lý dự án.
“Các luật sư và bị cáo xác định không gây hậu quả, hơn 1.000 tỉ đồng của nhà nước không thể tùy tiện mang cho PVC chi dùng trái phép. nếu tất cả các bộ, ngành, địa phương đều tùy tiện sử dụng tiền tạm ứng như vậy sẽ gây hỗn loạn cho nền kinh tế”- HĐXX nhận định và cho rằng việc xác định thiệt hại phải tính ngay từ khi PVN tạm ứng trái phép cho PVC, việc trả lại chỉ là tình tiết giảm nhẹ của vụ án.
PVN là chủ đầu tư, PVC là nhà thầu, nhiều dự án khác đang hàng ngày phải trả lãi ngân hàng với lãi suất cao. Bị cáo Đinh La Thăng và HĐTV biết rất rõ về điều này nên cách tính thiệt hại như kết luận giám định là rất có lợi cho các bị cáo.
"Tại bản án HĐXX sẽ tiếp tục kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ các thiệt hại xảy ra do việc chậm tiến độ của dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2"- HĐXX nêu rõ.
Đối với bị cáo Đinh La Thăng:
Ngày 15-10, HĐQT PVN đã phê duyệt kế hoạch thành lập liên doanh tổng thầu với các nhà thầu nước ngoài dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Tuy nhiên, sau đó bị cáo Thăng vẫn chỉ đạo PVC là tổng thầu duy nhất, vi phạm nghị quyết của HĐQT PVN...
Trong khi dự án đầu tư chưa hoàn thành các thủ tục cần thiết, do nôn nóng, do sức ép của công việc, bị cáo Thăng đã chỉ đạo việc ký kết hợp đồng EPC số 33 trái quy định... Bị cáo Đinh La Thăng sau đó cũng đã chỉ đạo PVN tạm ứng cho PVC trái quy định.
"Trước đợt chuyển tiền cho Ban quản lý dự án đầu tiên, Đinh La Thăng có gọi Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh đến phòng làm việc của mình, tại đây, Thăng la mắng Khánh, Sơn về tiến độ dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 chậm và chỉ đạo phải lo tiền tạm ứng kịp thời cho ban quản lý dự án"- HĐXX dẫn chứng.
Cũng theo HĐXX, PVC tại thời điểm được chỉ định thầu là DN đang thâm hụt về tài chính, không đủ kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn. Điều này đã được Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận... thừa nhận. Tại thời điểm này, PVC cũng được PVN chỉ định thầu một số dự án khác như Ethanol Dung Quất, Ethanol Phú Thọ, Xơ sợi Đình Vũ... cho đến nay được Chính phủ xác định là những dự án đang thua lỗ, thất thoát hàng nghìn tỉ đồng, mỗi dự án như vậy có thể trở thành một vụ án...
Hành vi của bị cáo Đinh La Thăng thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của tội cố ý làm trái chứ không phải là tội danh khác như bị cáo và các luật sư của bị cáo nêu.
Về hành vi tham ô tài sản:
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề ra chủ trương cùng Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó TGĐ PVC) và Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng- Quảng Trạch thuộc PVC) lập khống hồ sơ, rút trên 13 tỉ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỉ đồng.
Tại tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận hành vi phạm tội, không chỉ đạo các bị cáo khác lập khống hồ sơ rút 13 tỉ đồng, không thừa nhận chiếm hưởng 4 tỉ đồng. Tuy nhiên, các bị cáo khác đều đã thừa nhận hành vi phạm tội.
HĐXX cũng cho rằng, lời khai của các bị cáo khác đều xác nhận Trịnh Xuân Thanh đã nhận và chiếm hưởng số tiền 4 tỉ đồng nói trên.
Có đủ cơ sở kết luận bị cáo Trịnh Xuân Thanh là người đề ra chủ trương chỉ đạo bị cáo Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ chứng từ, rút trên 13 tỉ đồng từ ban điều hành dự án Vũng Áng- Quảng Trạch. Quan điểm của luật sư và bị cáo Thanh không được chấp nhận. Hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã phạm vào tội tham ô tài sản.
HĐXX nhận định, vụ án xảy ra tại PVN và PVC là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo đều giữ vai trò quan trọng, được giao thực hiện các dự án trọng điểm của đất nước. Lợi dụng vị thế, tính đặc thù cũng như nhiều ưu đãi đối PVN, các bị cáo vì nhiều động cơ khác nhau...
* * *
Trước đó, trong phần luận tội, VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án từ 14 đến 15 năm đối với ông Đinh La Thăng về tội cố ý làm trái và mức án chung thân đối với ông Trịnh Xuân Thanh về hai tội cố ý làm trái và tham ô tài sản. Các bị cáo khác bị đề nghị mức án cao nhất đến 26 năm tù, thấp nhất là án treo.
VKS cho rằng bị cáo Đinh La Thăng đã lợi dụng vị trí là người cao nhất của tập đoàn, bị cáo đề ra chủ trương, chỉ định PVC làm tổng thầu, dù biết PVC không đủ năng lực và kinh nghiệm. Bị cáo đã chỉ đạo PVC ký hợp đồng 33 trái quy định và căn cứ hợp đồng này tạm ứng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác sử dụng không đúng mục đích, gây thiệt hại cho PVN gần 120 tỉ đồng. Bị cáo chỉ nhận trách nhiệm của người đứng đầu, chưa nghiêm túc nhận ra hành vi trái pháp luật của mình. Tuy nhiên, bản thân bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, đã nhận một phần trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu nên có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, quá trình thực hiện Thái Bình 2 đã chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng không đúng quy định, sử dụng tiền tạm ứng không đúng mục đích. Bị cáo cũng chỉ đạo các bị cáo khác lập hợp đồng khống chiếm đoạt hơn 13 tỉ đồng. Bị cáo không thành khẩn, quanh co, chối tội. Tuy nhiên, bị cáo có tình tiết giảm nhẹ là đã khắc phục hậu quả.
Bị cáo Phùng Đình Thực, dù biết PVC không đủ năng lực nhưng cùng bị cáo Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh ký hợp đồng 33 không đúng quy định. Tại phiên tòa bị cáo đã khai báo không thành khẩn, đổ lỗi cho cấp dưới, cần có hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, bị cáo phạm tội lần đầu, quá trình công tác có nhiều thành tích nên cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Các bị cáo còn lại hầu hết đều khai nhận hành vi phạm tội. Theo đại diện VKS, có đủ cơ sở khẳng định việc VKSND Tối cao truy tố các bị cáo về tội cố ý làm trái… và tội tham ô tài sản là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
TAND TP Hà Nội sáng 22-1 trước giờ tuyên án. Ảnh: TUYẾN PHAN
Theo đại diện VKS, quá trình thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2, vì những động cơ khác nhau mà bao trùm lên là lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, các bị cáo - đứng đầu là bị cáo Đinh La Thăng - đã thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm, gây thiệt hại cho PVN số tiền đặc biệt lớn và nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác...
Không những bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án này mà còn kéo theo hàng loạt cán bộ chủ chốt từ tập đoàn đến các đơn vị thành viên của PVN bị xử lý, trong đó có nhiều người xuất sắc, nhiều người từng là nhà khoa học trong ngành dầu khí, nhiều người cũng từ đây mà tha hóa biến chất, như Trịnh Xuân Thanh là bằng chứng.
Hành vi phạm tội của các bị cáo là biểu hiện một phần của tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động xấu đến chính trị, xã hội, gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm niềm tin của nhân dân.
Vì vậy, việc đưa vụ án này ra xét xử thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc kiên quyết đấu tranh phòng, chống tệ tham nhũng, lãng phí; thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật và có thái độ không khoan nhượng, không có vùng cấm với bất kỳ ai dù họ ở cương vị nào. Mọi hành vi vi phạm pháp luật, hành vi liên quan đến tội phạm tham nhũng đều phải bị xử lý. Tài sản tham nhũng phải được thu hồi. Công lý phải được thực thi, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Nguồn: plo.vn