Dịch vụ Nổi bật

vai trò của luật sư trong vụ án hình sự thủ tục ly hôn đơn phương Luật sư bào chữa vụ án hình sự vai trò của luật sư
1 2 3 4

26/01/2018: Nhiều điểm mới về quyền của luật sư theo BLTTHS 2015

(Công lý) - So sánh với BLTTHS 2003, BLTTHS 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2018) đã đưa vào những nội dung mới, thể hiện sự tiến bộ, ưu việt.
 

Thứ nhất, để tranh tụng được bảo đảm tại phiên tòa xét xử, Điều 26 BLTTHS quy định, Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Có thể nói, nguyên tắc tranh tụng đầu tiên đưa vào BLTTHS 2015 đã được thể chế hóa rất cụ thể trong các quy định liên quan đến quá trình xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự tại các điều từ Điều 250 đến Điều 362 BLTTHS.

Nhiều điểm mới về quyền của luật sư theo BLTTHS 2015

Thứ hai, nguyên tắc suy đoán vô tội lần đầu tiên được ghi nhận chính thức trong BLTTHS 2015. Trong các BLTTHS trước đây đã có quy định một phần nội dung của nguyên tắc này, nhưng không được thừa nhận là nguyên tắc suy đoán vô tội. Ví dụ, tại Điều 9 BLTTHS 2003 có quy định: Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Quy định như vậy không chỉ là chưa đầy đủ về suy đoán vô tội, mà còn dễ dẫn đến suy luận hiểu sai theo hướng, người bị buộc tội phải chứng minh là mình vô tội, nếu không chứng minh được sự vô tội của mình có nghĩa là có tội. Nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 BLTTHS 2015: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người bị buộc tội có quyền: Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Do người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định.

Thứ ba, BLTTHS 2015 quy định cụ thể sự tham gia tố tụng của người bào chữa và xóa bỏ những cản trở đã từng xảy ra khi thực thi BLTTHS 2003. BLTTHS 2015 đã dành một chương riêng (Chương V) quy định về người bào chữa, người bảo vệ lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Đây có thể coi là những nội dung gần như hoàn toàn mới, tiến bộ, phản ánh tố tụng hình sự Việt Nam thực hiện đúng chân lý bất di bất dịch của loài người đã được ghi nhận trong tư pháp hình sự: Ở đâu có sự buộc tội thì ở đó có sự gỡ tội.

Lần đầu tiên khái niệm người bào chữa được ghi nhận trong BLTTHS. Điều 72 BLTTHS quy định: Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. Đồng thời, BLTTHS không bó hẹp sự tham gia của người bào chữa trong vụ án hình sự.

Thứ tư, việc lấy lời khai những người tham gia tố tụng và hỏi cung bị can cũng có những nội dung mới như sau: Việc hỏi cung bị can do Điều tra viên tiến hành ngày sau khi có quyết định khởi tố bị can. Trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung. Trước khi tiến hành hỏi cung lần đầu, Điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật này. Việc này phải ghi vào biên bản. Mỗi lần hỏi cung bị can đều phải lập biên bản. Nghiêm cấm Điều tra viên, cán bộ điều tra tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can. BLTTHS quy định việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, lấy lời khai người bị hại, đương sự, đối chất có thể hoặc phải được ghi âm, ghi hình có âm thanh. Việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can, lấy lời khai, đối chất không được quy định trong BLTTHS 2003.

Thứ năm, những quy định mới về xét xử vụ án có liên quan đến luật sư bào chữa. Luật sư bào chữa phải có mặt tại phiên tòa để bào chữa cho người mà mình đã nhận bào chữa. Người bào chữa có thể gửi trước bản bảo chữa cho Tòa án. Trường hợp người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa.

Nếu người bào chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này mà người bào chữa vắng mặt thì HĐXX phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa.

Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, Luật sư bào chữa tranh luận, trình bày hết ý kiến nhưng có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án và ý kiến lặp lại. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến của luật sư bào chữa mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận. HĐXX phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của Kiểm sát viên, luật sư bào chữa tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án.Trường hợp không chấp nhận ý kiến của Luật sư bào chữa tại phiên tòa thì HĐXX phải nêu rõ lý do và được ghi trong bản án. 

nguồn: congly.vn